Từng phải thừa lệnh đạp những thùng chất độc da cam xuống những vùng đất của Việt Nam. Chiến tranh chưa kết thúc nhưng ông phải giải ngũ vì cuộc chiến đã cướp đi con mắt trái của ông. Và nỗi đau, niềm day dứt, oán hận chiến tranh mãi đeo đẳng suốt cuộc đời khi ba người con trai của ông đã ra đi vĩnh viễn bởi di chứng của chất độc da cam…
Nhật ký những phi vụ Ông Mai Giảng Vũ đang chờ phi vụ rải chất khai quang của Mỹ tại Thiện Ngôn, Tây Ninh (năm 1971).
“Năm 1958-1959 tôi đi quân dịch dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Sau đó một năm tôi trốn về phụ việc cho nha sĩ Trần Văn Thái – chú bà Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu.
Năm 1965, ông Thái đi xuất ngoại, tôi chới với vì rơi vào diện trốn tái ngũ. Năm 1966, nhờ quen biết, tôi xin vào khu quân sự Long Bình của Mỹ, làm thư ký cấp phát hàng, quản lý kho vũ khí, nhận và xuất vũ khí, hóa chất.
Nhờ có xe Mỹ đón đưa nên không ai bắt tôi. Nhưng đến năm 1968 tôi bị bắt. Họ đưa tôi vào sư đoàn 25 (tiểu đoàn 350/25 bộ binh) Long An. Nhờ biết tiếng Anh người ta cho tôi làm thông dịch.
Vào một đêm, tôi đi cùng ba lính Mỹ được trang bị M79, đeo mặt nạ. Riêng ba người kia sau lưng còn đeo thùng sơn màu đen kèm với vòi xịt, có những dây quấn vòng quanh. Tôi được giao yểm trợ họ bơi qua sông xịt thuốc. Trong thâm tâm, tôi đinh ninh họ đang làm công việc như những chuyên viên y tế xịt thuốc sát trùng như mọi khi. Đơn vị tôi đóng gần đó. Chỉ tuần sau quay trở lại tôi thấy những đám dừa nước nơi đây đã tàn lụi.
Làm thông dịch thêm mấy tháng, bên không quân tuyển người, tôi xin sang đội “cơ khí và vũ khí trực thăng”. Tôi ký hợp đồng “vũ khí phi hành”. Họ đưa tôi ra Nha Trang học ba tháng. Sau đó tôi được bổ sung vào phi đoàn 221, sư đoàn 3 không quân Biên Hòa, tham gia các phi vụ đổ quân, cứu thương, tiếp tế…, đa số là đi đổ quân, biệt kích.
Tháng 4/1971, đi phi vụ cho Mỹ tại khu rừng tây bắc Thiện Ngôn, tỉnh Tây Ninh. Phi hành đoàn tôi tham gia gồm ba người, trong đó hai phi công Mỹ, tôi là người sửa chữa kỹ thuật. Tôi được thông báo chuyến bay này sẽ đi thăm tiền đồn ở Củ Chi, nhưng lính Mỹ đã quăng lên máy bay những thùng có đai bằng nilông, mã số đề gì không rõ, có dấu chéo, cảnh báo “dangerous” (nguy hiểm) và hình xương sọ.
Đầu thùng có dây rất mỏng manh, móc vào khoen. Máy bay cất cánh ở cao độ 1-2 km. Tôi được giao nhiệm vụ đến địa điểm nào chúng hô “hot” (tiếng lóng) thì tôi phải đạp nắp thùng bật ra để chất bột trong thùng bay tung tóe khắp nơi.
Tuần sau khi chở phái đoàn báo chí đi thăm chiến trường Campuchia, ngang qua khu rừng này tôi đã giật mình khi thấy cảnh hoang tàn kỳ lạ, những cây cổ thụ cao chót vót cũng trụi lá cành, cỏ tranh chết không còn một vạt… Cảm giác lo âu, ray rứt tội lỗi mơ hồ đã xuất hiện trong tôi. Tôi dò hỏi đó là chất gì mà có tác động nhanh và ghê gớm như vậy, nhưng chỉ được trả lời là chất diệt cỏ.
Tôi tiếp tục bị điều đi. Tại Lộc Ninh thả ba thùng, tại ngã ba Kreck ở Campuchia cũng đạp ba thùng… Tôi nhận ra danh nghĩa mà người Mỹ nói trong mỗi chuyến bay đều không trung thực, nói đi thăm tiền đồn nhưng thực chất là thả đạn dược, biệt kích. Tôi có báo cáo cấp trên nhưng họ không quan tâm. Khi xong phi vụ, phía lính Mỹ có thảo luận báo cáo tại sân bay Biên Hòa nhưng họ ngắt bộ đàm vô tuyến, không cho tôi nghe. Một thời gian sau, tôi bị rớt máy bay cách tây bắc Thiện Ngôn, Tây Ninh khoảng 10 phút bay, may mà tôi thoát chết.
Sau đó họ chuyển tôi sang thực hiện những chuyến đi bắn. Tôi báo không có sức khỏe vì thật lòng rất sợ hãi chuyện bắn giết, chỉ muốn tham gia đổ quân. Năm 1972, tôi được sang Hoa Kỳ học khóa “hàng rào điện tử” ở tiểu bang Florida, song đó cũng là thời điểm chuẩn bị ký hiệp định Paris nên ba tháng sau họ cho tôi về nước. Tháng 8/1972, họ đẩy tôi ra Đà Nẵng vào phi đoàn 239 sư đoàn 1 không quân Đà Nẵng.
Tôi lại được phân vào các phi vụ rải chất khai quang tại các khu rừng ở Quế Sơn (Quảng Nam), Mộ Đức, Hậu Nghĩa (Quảng Ngãi). Trong cuộc hành quân tái chiếm quận Ba Tơ, Quảng Ngãi, năm 1973 tôi bị thương. Một năm sau vào tháng 2/1974, tôi được giải ngũ”.
Nỗi đau 20 năm và mãi mãi
Từ năm 1980 – 2000 ông lần lượt chứng kiến cả ba đứa con trai bán thân bất toại rồi ra đi.
Ông Mai Giảng Vũ lập gia đình từ năm 1965, có hai cô con gái trước khi bị bắt lính. Vào lính, trong thời gian liên tục thực hiện các phi vụ rải chất khai quang, ông có thêm ba người con trai tên Mai Giảng Vinh, Mai Thế Quang và Mai Thế Huy sinh các năm 1970, 1973, 1975.
Ông xót xa kể: “Các cháu đẻ ra cũng bình thường, khi đẻ toàn hơn 3,5kg, nhưng cháu nào học đến lớp 3 là trở nên không còn đi được. Triệu chứng cả ba đều y nhau, mới đầu đi liểng xiểng, sau đó ưỡn ngực, té lên té xuống, vịn tường đi, không vịn được chúng phải lết đi, sau đó ngồi không vững, 15 tuổi bắt đầu nằm một chỗ. Đầu óc vẫn bình thường nhưng teo cơ, ép chân tay không còn cảm giác gì cả. Cổ họng teo lại, thực quản hẹp. Ăn uống cũng phải đút từng muỗng. 23 tuổi hai đứa chết, đứa sau thì hơn anh nó vài năm nữa”.
Hàng xóm cũng kể rằng gia đình ông Vũ đã đi khắp nơi chạy chữa nhưng đều nhận được những cái lắc đầu.
Trong căn nhà xiêu vẹo mỗi lần mưa là ngập hơn nửa mét, người ta từng chứng kiến ba đứa con ông nằm còng queo, chốc chốc thay nhau rên la “hừ… hừ”, người cha hết xoa bóp, trở mình cho đứa này lại đến đứa khác. Từ năm 1980 – 2000 ông lần lượt chứng kiến cả ba đứa con trai bán thân bất toại rồi ra đi. Mỗi đứa chết cách nhau khoảng ba năm, đứa cuối chết đúng ngày mồng 3 tết năm 2000.
Người mẹ tảo tần cũng chết cả tim gan, bà nói trong nước mắt: “Đứa đầu lết thì đứa kế tiếp đã không đứng được, đứa kế tiếp bắt đầu đi xiêu vẹo, vài năm sau là cả ba anh em nằm một chỗ. Tôi đi bán xôi chạy chợ lo mỗi ngày 50.000 đồng tiền thuốc men, còn cha nó phải ở nhà phục vụ chăm sóc chúng. Tôi rứt ruột đẻ ra mà sao chúng phải khổ sở mãi cho đến chết. Lúc sắp chết nó thèm ly nước mía mà cổ họng teo lại không làm sao uống được”.
Chị Nguyễn Thị Huệ, phụ trách lao động – thương binh & xã hội P.9, Q.11, cho biết: “Không chỉ oán hận chiến tranh, ông Vũ cứ mãi tự vấn lương tâm rằng gieo nhân nào gặp quả đó. Ông tâm sự với tôi khi ông thực hiện những phi vụ rải chất hóa học, ông đâu biết mức độ tàn phá như bây giờ. Ông thấy mình có tội, lương tâm cứ bị dằn vặt hoài”.
Là người hàng xóm và phụ trách Hội Chữ thập đỏ, xóa đói giảm nghèo của phường, chị Diêu Cần cũng chia sẻ với gia đình ông Vũ nhiều năm qua: “Hoàn cảnh gia đình ông Vũ khó khăn lắm, thuộc diện xóa đói giảm nghèo của phường, chúng tôi cũng rất đau lòng, tìm cách giúp đỡ nhưng cũng không được là bao…”.
Đưa chúng tôi xem lại những bức ảnh các con, ông Vũ nói với giọng căm phẫn: “Tôi cũng theo dõi thông tin, có ông đô đốc Mỹ cũng đưa con tham gia chiến tranh VN, rồi cháu ông ấy cũng ảnh hưởng… Còn tôi đã bị cái chất chết tiệt đó xâm nhập vào cơ thể gây ra nỗi đớn đau cho những đứa con tôi. Tiền bạc bao nhiêu cũng không vơi đi sự đau khổ, mất mát. Nếu cần nhân chứng, tôi sẵn sàng đứng ra tường trình từng phi vụ. Tôi sẵn sàng kể lại. Tha lỗi cho tôi và xin chia sẻ với những gia đình có các con như tôi… Tôi mong mọi người trong nước cũng như nước ngoài luôn ủng hộ để những nạn nhân đòi công lý. Tôi đã bị lừa dối và làm hại đến đồng bào. Không gì có thể làm vơi đi nỗi ân hận này”.
Ông Mai Giảng Vũ đang chờ phi vụ rải chất khai quang của Mỹ tại Thiện Ngôn, Tây Ninh (năm 1971).
Từ năm 1980 – 2000 ông lần lượt chứng kiến cả ba đứa con trai bán thân bất toại rồi ra đi.